Đánh giá Tự_Đức

Trích đoạn cải lương Tự Đức dâng roi - thể hiện tấm lòng có hiếu của ông với Từ Dụ - màn trình diễn cải lương trên chợ nổi tại lễ hội ẩm thực thế giới 2010.

Việc cai trị

Tự Đức được đánh giá là một vị vua có tư cách tốt, tính tình hiền lành. Ông chăm chỉ xem xét việc triều chính và không hề trễ nải, được các quan nể phục. Theo Việt Nam sử lược, ông thường hay chít khăn vàng và mặc áo vàng, khi có tuổi thì ông hay mặc quần vàng và đi giày hàng vàng do nội vụ đóng, không ưa dùng trang sức, cũng không cho các bà cung phi đeo đồ nữ trang, chỉ cốt lấy sự ăn mặc sạch sẽ làm đẹp. Ông thường dậy sớm thiết triều từ 6 giờ sáng, chăm chỉ phê duyệt tấu chương, là một vị vua cần cù chăm chỉ.

Nhưng Tự Đức cai trị đúng vào một thời đại khó khăn, trong nước lắm loạn, bên ngoài thì có Pháp xâm lấn. Bản thân ông chăm chỉ nhưng không đủ tài để đưa ra các chính sách cải cách nhằm xoay chuyển cục diện đất nước. Trong việc chiến sự với Pháp, ông tỏ ra là người nhu nhược, quân triều đình mới thất bại vài trận mà ông đã lo cắt đất Nam Kỳ lục tỉnh để cầu hòa với Pháp, dù nghĩa quân chống Pháp ở Nam bộ vẫn đang chiến đấu và đã thu được một số thắng lợi.

Vua thì ở trong cung điện, việc đời không biết rõ nên phải lấy các quan làm tai mắt, nhưng các quan lại phò tá Tự Đức đều là người học hành theo lối khoa cử thời cũ, không am hiểu thời đại mới, cho nên mọi việc đều hỏng cả. Trần Trọng Kim đánh giá: "Dù rằng vua có trách nhiệm vua, quan có trách nhiệm quan, dẫu thế nào vua Dực Tông cũng không tránh khỏi cái lỗi với nước nhà, nhưng mà xét cho xác lý, thì cái lỗi của đình thần lúc bấy giờ cũng không nhỏ vậy".[2]

Nhìn chung, sự thất bại của Tự Đức rất giống như vua Đạo Quang nhà Thanh, người cai trị cùng thời với ông. Cả 2 đều là những ông vua cần cù chăm chỉ, đề cao tiết kiệm nhưng lại không đủ quyết đoán và mưu lược, không có kiến thức về tình hình thế giới nên không thể cứu vãn đất nước đang gặp nguy biến từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Tính cách và khả năng của họ chỉ thích hợp cho việc cai trị vào thời bình, còn vào thời loạn thì không đủ để lãnh đạo đất nước.

Trong bài thơ Lịch sử nước ta viết năm 1941, Hồ Chí Minh nhận xét về thời Tự Đức:

Từ năm Tân Hợi trở đi,

Tây đà gây chuyện thị phi với mình.
Vậy mà vua chúa triều đình,
Khư khư cứ tưởng là mình khôn ngoan.
Nay ta nước mất nhà tan
Cũng vì những lũ vua quan ngu hèn.

Văn học

Tự Đức là ông vua hay chữ nhất triều Nguyễn,[2] nên ông rất đề cao Nho học. Ông chăm về việc khoa bảng, sửa sang việc thi cử và đặt ra Nhã Sĩ khoa và Cát Sĩ khoa[2] để chọn lấy người có tài văn học ra làm quan.

Tự Đức là người ham học, hiểu biết nhiều và đặc biệt yêu thích thơ văn. Đêm nào ông cũng xem sách đến khuya.[2] Ông làm nhiều thơ bằng chữ Hán, trong đó có bộ Ngự Chế Việt sử tổng vịnh, vịnh hàng trăm nhân vật trong lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, ông còn làm cả sách bằng chữ Nôm để dạy cho dân dễ hiểu, điển hình như Luận Ngữ diễn ca, Thập điều, Tự học diễn ca...[2] Có rất nhiều giai thoại về Tự Đức, nhất là những chuyện vua giao thiệp với nhà văn, học giả đương thời.

Nhà vua rất thích lịch sử, đã đặt Tập Hiền viên và Khai Kinh diên để ông ngự ra cùng với các quan bàn sách vở, thơ phú hoặc nói chuyện chính trị. Ông còn chỉ đạo cho Quốc sử quán soạn bộ sử lớn Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, từ đời thượng cổ cho đến hết thời nhà Hậu Lê,[2] trong đó ông tự phê nhiều lời bình luận.

Tự Đức cũng rất yêu nghệ thuật, đã tập trung nhiều người soạn kịch bản tuồng về kinh thành Huế, và lệnh cho soạn những vở tuồng lớn Vạn bửu trình tường, Quần phương hiến thụy.

Vua có hiếu

Tự Đức được người đời ca tụng là một ông vua có hiếu. Lệ thường cứ ngày chẵn thì chầu cung, ngày lẻ thì ngự triều: trong một tháng chầu cung 15 lần và ngự triều cũng 15 lần, trừ khi đi vắng và lâm bệnh. Trong suốt 36 năm thường vẫn như thế, không sai chút nào.[2]

Dù làm vua, Tự Đức luôn kính cẩn vâng lời mẹ dạy. Ông đã ghi chép những lời răn của mẹ vào một cuốn sách, đặt tên là Từ huấn lục. Thậm chí, có lần do mải mê đi săn về cung hơi muộn, thấy mình phạm lỗi nên ông nằm ra, đặt chiếc roi lên mâm son để chờ Hoàng thái hậu Từ Dụ trừng phạt.[2]